Apple bị tố áp đặt nhân viên
Lãnh đạo Apple được cho là đưa ra các chính sách áp đặt với nhân viên và vi phạm quyền của người lao động.
Theo hồ sơ các công tố viên Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia Mỹ (NLRB) đưa ra, Apple vi phạm "nhiều quy tắc làm việc, có xu hướng can thiệp, hạn chế hoặc ép buộc nhân viên" thực hiện các hành động mà họ không mong muốn.
"Chúng tôi nhận thấy có cơ sở để cáo buộc các tuyên bố và hành vi của Apple, bao gồm chỉ đạo từ các giám đốc điều hành cấp cao, đã vi phạm Đạo luật Quan hệ Lao động Quốc gia", Kayla Blado, phát ngôn viên NLRB, cho biết ngày 30/1.
Cũng theo Blado, trừ khi Apple đưa ra giải pháp khắc phục, NLRB có thể sẽ đưa vấn đề lên các cấp cao hơn. Apple chưa bình luận về thông tin trên.
Việc Apple bị tố áp đặt nhân viên đã được đề cập lần đầu năm 2021. Khi đó, cựu nhân viên Ashley Gjovik đệ đơn kiện chỉ trích CEO Tim Cook vi phạm luật liên bang khi gửi email với nội dung dọa trừng phạt người rò rỉ thông tin nội bộ. Hồ sơ của Gjovik trích dẫn hàng loạt chính sách hạn chế nhân viên tiết lộ thông tin kinh doanh của Apple, chẳng hạn nói chuyện với phóng viên, chia sẻ thông tin tiền lương của đồng nghiệp hoặc đăng các dòng tweet bất lịch sự.
Gjovik từng là một quản lý cấp cao của Apple. Tháng 9/2021, bà công khai trên Twitter rằng công ty quản lý yếu kém, một số quản lý có hành vi bắt nạt, quấy rối và kỳ thị giới tính nhân viên. Sau đó, bà nhận quyết định thôi việc qua email với lý do liên quan đến "vấn đề sở hữu trí tuệ nhạy cảm". Gjovik cũng là một trong những khởi xướng phong trào #AppleToo. Sau khi bị sa thải, bà từng cho biết cảm thấy cuộc sống trở nên khó khăn vì trở thành "kẻ thù" của Apple.
Trong email gửi nhân viên vào tháng 9/2021, Cook nói "những người làm rò rỉ thông tin bí mật không thuộc về nơi này" và Apple sẽ không dung thứ cho việc tiết lộ thông tin, cho dù là thông tin sản phẩm hay chi tiết của một cuộc họp.
Tuy nhiên, tại phiên điều trần đầu tháng 1, luật sư Apple Jason Stanevich cho biết công ty khuyến khích một môi trường làm việc cởi mở và hòa nhập. "Nhân viên không chỉ được phép mà còn được khuyến khích chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ về các vấn đề, từ chủ đề công bằng xã hội đến trả lương", Stanevich nói.
Luật lao động Mỹ hiện bảo vệ quyền của người lao động trong việc giao tiếp với nhau và tham gia các hành động tập thể về các vấn đề tại nơi làm việc. Theo Bloomberg, nếu Apple không đưa ra phương án giải quyết, NLRB có thể gửi hồ sơ lên cấp cao hơn như tòa án liên bang. Cơ quan này không có khả năng áp đặt lệnh trừng phạt hoặc buộc các nhà quản lý chịu trách nhiệm nếu vi phạm, nhưng có thể yêu cầu các công ty thay đổi chính sách tại nơi làm việc.
theo:vnexpress.net